TÁC DỤNG CỦA LOÀI GIUN ĐẤT TRONG ĐẤT NÔNG NGHIỆP
Con giun đất có răng không ? Chúng ta bắt giun cho gà ăn vì giun đục khoét rễ cây ?
Charles Darwin, ông tổ của thuyết tiến hoá có thể nói cho chúng ta biết từ năm 1881. Ông ta đã quan sát con giun rất kỹ và đã viết một cuốn sách với tựa đề “sự hình thành của đất đồng ruộng qua hoạt động của giun đất”
Giun không có răng và không ăn rễ cây, chúng ta đã dư biết điều này, cũng như chúng ta cũng biết giun là một con sinh vật quan trọng cho đất mà ông trời đã chỉ cho chúng biết cách làm cho đất đai phì nhiêu, thế nhưng, chúng ta biết có bao nhiêu loại giun không và chúng ăn những gì ? Làm sao chúng có thể sống qua những mùa khô và làm sao để tự bảo vệ ? Nếu chúng ta đã biết điều này thì có lẽ không cần đọc tiếp nữa.
Không phải chỉ có ông Darwin nhận ra sự lợi ích của con giun. Trước đó, ông Aristoteles (384-322 trước Công Nguyên) đã tả chúng là bộ ruột của đất. Thời Ai cập giun được quí trọng đến nỗi chúng đã được phong thần thánh và Cleopatra (69-30 trướcCông Nguyên ) đã ra lệnh cấm không được đem giun ra khỏi đất nước Ai Cập.
Vào thế kỷ 17 người ta gọi chúng là giun năng động, một từ dùng để diễn tả hoạt động của giun dưới mặt đất và tạo sự lợi ích cho đất.
Một câu nói của mục sư người anh Gilbert White “ không có những con giun mặt đất sẽ trở thành trơ trọc, không lên men và không sự sống.
Cũng khoảng trong thời gian đó vào thế kỷ 18 cũng có những quan điểm hoàn toàn khác về giun đất. Trong cuốn sách trồng vườn của ông J.W.Hönert có viết giun đất cần phải tiêu diệt vì chúng ăn rễ của các loại cây.
Từ thời thượng cổ cho đến thế kỷ 18/19 người ta dùng giun đất để chế thuốc chữa bệnh như thuốc chữa đau cổ, đau mắt, đau tai, đau bụng vân vân .. Trong thực tế, sau này người ta đã tìm ra chất giảm nhiệt từ giun đất và có thể chứng nhận trong các thí nghiệm với súc vật.
Vào thế kỷ 20 giun đất được nghiên cứu kỹ hơn. Vai trò của chúng được rao truyền rộng rãi qua Dr. H. Müller và H.P. Rusch.
Có hai loại giun đất mà tất cả chúng ta đều biết. Một loại là giun đêm, lớn khoảng 12 -30 cm (tên khoa học Lumbricus terrestris) và các loại giun sống dưới đất.
Trên thế giới có khoảng 3000 loại giun. Loại giun Châu Úc dài cỡ 2 mét có màu xanh lợt đến đốm vàng và sống trên cây; có loại nhỏ đến nỗi mắt thường nhìn rất khó thấy.
Chỉ rất ít loại giun gây sự chú ý của chúng ta. Một là loại giun đêm như đã nhắc đến bên trên. Chúng sống trong đồng cỏ, vườn tược và các vườn trái cây. Chúng đào đường hầm sâu đến 3 mét và bới đất rất khoẻ. Giun đêm là vì chúng chỉ lên trên vào ban đêm để kiếm ăn. Chúng có thể được nhận ra qua màu hơi đỏ ở nửa đoạn đầu và màu lợt lạt ở nửa đoạn sau thân thể.
Loại thứ hai đã nhắc đến là loại giun phân (Eisenia foetida)(foetidus = có mùi hôi thúi).Nhờ loại giun này cũng như những sinh vật khác mà đống phân xanh đã trở thành đất màu mỡ;
Loai giun phân có chiểu dài khoảng 4 – 12 cm và có màu đỏ đến đỏ hồng. Các vòng khoang có màu sáng đến hơi vàng. Loại có màu vàng đỏ thật đậm được gọi là giun cọp.
Trong đất chúng ta không tìm thấy loại giun phân này vì chúng sống lệ thuộc vào số lượng phân xanh.
Loại giun đồng (đồng cỏ)(Allolobophora caliginosa) với chiều dài khoảng 5 - 20 cm, không dài và không lớn như loại giun đêm. Nhưng con gium xam xám này chúng ta thường thấy trong lúc cày bừa. Loại này không bài tiết trên mặt đất mà thường là dưới mặt đất. Chúngkhông đào sâu như loại giun đêm, thường trong phạm vi rễ cây, nhưng chúng đảo đất nhiều hơn loại giun đêm.
Giun đỏ (Lumbricus rubellus), có màu đỏ thắm , mảnh khảnh và rất lẹ. Chúng phải lẹ vì chúng sống trên mặt đất bên dưới những chiếc lá để tránh những cuộc tấn công từ trên cao. Chúng là giống giun hạnh phúc vì,ăn nhiều , làm việc ít mà lúc nào cũng .. mi nhon.
Giống giun ruộng (Octolasion lacteum) có điểm đặc biệt là dấu chấm vàng ở đoạn sau của cơ thể. Chúng chui trong đất và ăn các loại vi sinh ở trong các lớp cát đá. Hoạt đông của giun ruộng làm cho các chất vô cơ ở sâu trong đất được chuyển lên phía trên.
Giun là sinh vật nhẵn và có nhiều chất nhờn. Chất nhờn tạo cho cơ thể của chúng giữ được độ ẩm và có thể kháng lại các chất độc. Với độ nhờn như vậy làm sao chúng có thể di chuyển mà không bị trượt ?
Ðể trả lời câu hỏi chúng ta phải bắt một con giun rồi dùng ngón tay sờ vào dưới bụng của chúng. Chúng ta sẽ thấy chúng có những sợi lông li ti ở dưới bụng. Những sợi lông này có thể thụt ra thụt vào được và nhờ vậy chúng có thể bám vào đấtdi chuyển mà không bị trượt. Các tế bào bắp thịt dọc và ngang tạo ra những động tác co dãn của cơ thể.
Ngoài ra ở đoạn đầu và đuôi của chúng có rất nhiều tế bào cảm nhận ánh sáng. Ánh sáng xanh (blue) kích thích dụ chúng đến,ánh sáng UV sẽ giết chúng. Vì vậy, nếu ban ngày chúng ta thấy con giun trên mặt đất, thì nên lấy đất đắp che chúng lại – một cử chỉ mà chúng ta mặc nợ chúng.
Một câu hỏi kế tiếp là: Chúng sinh sản như thế nào ? Chúng ta cũng biết giun là loài lưỡng tính. Trong mỗi con giun đều có bộ phân sinh dục đực và cái. Con giun đến thời kỳ sanh sản có thể nhận biết qua cục nổi u trên đoạn trước của cơ thể.
Khi giao hợp, phần nhiều là ở dưới mặt đất, hai con giun nằm ngược chiều nhau, đầu cặp với đuôi và đuôi cặp với đầu. Sau đó chúng bắt đầu trao đổi tinh trùng. Tinh trùng được chứa vào những túi chứa. Khi tách riêng ra mỗi con sẽ tự tạo một cái kén trong đó có chứa trứng và tinh trùng của giun bạn. Cái kén có hình dạng như trái chanh (tùy theo loại giun nó sẽ khác nhau ở hình dạng cũng như độ lớn nhỏ)được bao bọc bở nhiều lớp nhờn. Phần nhiều, kén lớn khoảng độ hột lúa mì và có chứa một phôi thai (giun phân có2-3 phôi thai) cũng như một số chất dinh dưỡng lỏng. Số lượng kén chênh lệch nhau trong khoảng từ 20-90 cái đối với giun đêm. Giun phân có khoảng 140 cái. Thời gian đến lúc kén nở ra kéo dài khoảng 7 đến 12 tuần. Những chú giun con, thưc ăn ngon của chuột chù, chim chóc, bọ, có thể sống đến hai tuổi trong thiên nhiên. Thế nhưng thông thường chúng không sống sót đến tuổi trưởng thành (tuần thứ 30-50). Trong phòng thí nghiệm có nhiều loại giun có thể sống đến 10 năm.
Trong mùa đông cũng như trong mùa hè khô những chú giun tự nhiên biến mất. Trong thời gian này chúng nằm cuộn mình lười biếngtrong hang mà chúng tự làm với chất nhờn của cơ thể. Vì là động vật máu lạnh và nhiệt độ cơ thể chịu ảnh hưởng bởi môi trường, chúng phải hạn chế hoạt động khi khí hậu bất lợi. Trọng lượng cơ thể của chúng trong mùa này có thể bị giảm đi đến hơn một nửa. Khi thời tiết thuận lợi trở lại chúng phải “tăng cân” trở lại và chỉ nghĩ đến ăn ăn và ăn ....Ngay đến cái chuyện “trai gái” chúng cũng không quan tâm; Tính theo tuổi thọ thì giun không sinh sản mạnh, là một điều mà chúng ta nên chú ý để bảo vệ chúng.
Ở đây chúng ta nên tìm lại một đoạn truyền thuyết cũ. Theo đó thì nếu chặt đôi con giun ra thì hai đọan bị chặt đó sẽbiến thành hai con giun; Tất cả chỉ là chuyện bịa đặt. Ai có thể ăn bằng đít chứ; Chỉ có nửa phần trên (đầu) là có thể sống và mọc ra lại, phần đuôi sẽ bị chết. Trong lúc đợi phần đuôi mọc ra, con giun sẽđi vào trạng thái dưỡng bệnh (nằm trên giường bệnh. Phần đuôi mới sẽ không mập như phần đầu cũ. Một con giun “tái tạo” rất dễ nhận ra. Cho dù có khả năng tái sinh nhưng những chú giun đó rất hiếm có. Ðiều dễ hiểu là khi bị thương vết thương sẽ bị nhiễm trùng, nhiễm nấm. Thêm vào đó chúng không thể chạy trốn được và thường là bị xơi tái ngaỵ
Chúng ta đã biết sơ về cách sinh sống của giun đất. Bây giờ chúng ta tìm hiểu tại sao chúng lại có lợi ích cho đất đai trồng trọt.
Giun đất là giống tạo đất. Tại những vùng đất có nhiều giun, chúng thải ra hàng trăm tấn phân mỗi năm trong diện tích một mẫu đất. Trong vòng 12 đến 15 năm chúng sẽ đảo lộn hoàn toàn 10 cm đất theo bề dày, tính ra là khoảng 1,5 triệu ký đất trong một mẫu.
Cần bao nhiêu con giun để có được năng xuất như vậy ? Số lượng lệ thuộc vào chất lương đất. 100 con giun cho một mét vuông đất là một tỷ lệ tốt. Những vùng đất thuận lợi có độ pH trung tính, xốp và nhiều phân hữu cơ có thể chứa đến 400 con trong một mét đất. Cứ tính một con giun nặng trung bình khoảng 2 gram và trên diện tích là một mẫu đất thuộc loại trung bình có chứa 1 triệu con, như vậy chúng ta có khoảng 2000 kg giun. Ðiều đó có nghĩa là số lượng lương thực dưới mặt đất có thể nuôi sống và tạo nhiều sinh khối hơn trên mặt đất. Trên mặt đất cứ một mẫu đồng cỏ chỉ đủ cho 2 đến 3 con bò , 1000 -1500 kg/ha.
Qua hoạt động đào bới cũng như ăn gặm giun tạo cho đất thoáng và tăng khả năng giữ nước cũng như khả năng thấm nước mưa. Nhờ thoáng khí, các vi sinh trong đất sẽ phát triển mạnh và tạo cho đất có hoạt đông sinh học cao.
Chất khoáng cứng như phân vô cơ trong lòng đất sau sẽ được chuyển đến rễ cây. Chất thải của giun chứa nhiều chất dinh dưỡng cho cây cỏ hơn đất chung quanh. Ðem phân tích, thì phân thải có chứa nhiều nitơ gấp 5 lần, nhiều phosphor gấp 7 lần, nhiều postassum gấp 11 lần cũng như nhiều Magnesium gấp 3 lần so với đất thường; Như vậy giun đóng một vai trò rất quan trọng trong viêc tạo chất dinh dưỡng cho cây trồng.
Khi giun ăn trong đất, các chất hữu cơ cũng như vô cơ được trộn đều trong bộ tiêu hoá của chúng. Qua đó đất có một hỗn hợp cân bằng giữa chất đất sét và chất mùn cũng như nước, không khí và chất dinh dưỡng.
Ngoài ra giun còn đóng một vai trò khác nữa trong lúc ăn. Giun là loại diệt vi sinh vật gây bệnh rất hữu hiệu. Khi ăn lá cây chúng ăn và tiêu hoá luôn những mầm nấm mốc . Phân của chúng là môi trường tốt để các loại vi sinh hữu ích phát triển. Các loại này tạo ra chất kháng sinh có thể ngăn chặn các loại vi sinh vât gây hại cho cây trồng.
Giun là bạn đồng hành có thể giúp chúng ta giữ đất đai được màu mỡ và từ đó mùa màng thuận lợi và năng suất thu hoạch sẽ được cao hơn.