Theo công bố của Viện Pasteur TPHCM, trong 48 mẫu ớt bột được Viện Pasteur TPHCM lấy ngẫu nhiên tại 5 địa phương, gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước và Bà Rịa - Vũng Tàu, sau khi làm các phân tích xét nghiệm đều cho kết quả: 100% mẫu đều có chất aflatoxin (chất có thể gây ung thư gan). Các chuyên gia y tế cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện aflatoxin trong ớt bột là do các vấn đề liên quan đến thu hoạch, chế biến, vận chuyển và bảo quản. Các phương pháp sản xuất, bảo quản thủ công khiến người dân không thể kiểm soát về nhiệt độ, độ ẩm thích hợp, dẫn đến việc nhiễm aflatoxin. Tuy trước mắt không gây hại rõ rệt cho người sử dụng, nhưng việc tích lũy lâu dài trong quá trình sống và sử dụng thực phẩm sẽ khiến gia tăng số người mắc và chết do ung thư gan vì nguyên nhân độc tố aflatoxin B1. Theo ThS-BS Nguyễn Bạch Đằng (Học viện Quân y 103), aflatoxin là một mycotoxin được tiết ra từ nấm aspergillus và A.parasiyicus. Các chủng nấm này phát triển mạnh ở các loại thực phẩm nông sản trong các điều kiện thuận lợi nóng và ẩm, nhất là điều kiện thời tiết ở Việt Nam.
Điều nguy hiểm là, độc tố aflatoxin không bị phân hủy ở nhiệt độ sôi thông thường, có thể tồn tại trong thực phẩm không cần sự có mặt của nấm mốc tương ứng. Loại nấm mốc này có khả năng gây độc tính cấp và mạn. Nguy hiểm nhất là khả năng gây xơ gan và ung thư gan nguyên phát. Các nghiên cứu ở những vùng có tỉ lệ ung thư cao trên thế giới đều cho thấy nhiễm độc aflatoxin là nguy cơ chính gây ung thư gan.
Bộ NNPTNT “hỏa tốc” xác minh, xử lý
Trước thông tin 100% mẫu ớt bột xét nghiệm bị nhiễm nấm mốc aflatoxin, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản - Nafiqad (Bộ NNPTNT) - cho biết: Do quy trình bảo quản không đúng có thể khiến các loại nông sản sản sinh ra các loại nấm, tuy nhiên có sản sinh ra loại nấm gây ra độc tố aflatoxin không thì cần có nghiên cứu cụ thể.
Nafiqad đang tiến hành xác minh thông tin để xử lý, cụ thể là làm việc với Viện Pasteur TPHCM để trao đổi cụ thể về các mẫu nông sản cũng như quy trình xét nghiệm của Viện. Sau khi trao đổi với Viện Pasteur TPHCM, Nafiqad sẽ có căn cứ để đưa ra các khuyến cáo cho các cơ sở chế biến ớt bột để tuân thủ quy trình sản xuất, có chế độ bảo quản không phát sinh ra nấm mốc nói chung và nấm gây ra độc tố aflatoxin nói riêng.
Ông Nguyễn Như Tiệp cũng cho rằng, qua quá trình kiểm tra tại các địa phương cũng có phát hiện ra một số cơ sở điều kiện bảo quản chế biến chưa đảm bảo khiến phát sinh ra nấm mốc, nhưng việc lấy mẫu để phát hiện ra aflatoxin thì các đơn vị của Nafiqad chưa triển khai. Chính vì vậy sau kết quả công bố của Viện Pasteur TPHCM,
Nafiqad sẽ chỉ đạo toàn bộ hệ thống tăng cường kiểm tra lấy mẫu, trường hợp phát hiện ra vi phạm chúng tôi sẽ lập biên bản vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Việc ớt bột bị phát sinh nấm mốc nguy hiểm cho thấy dấu hiệu vi phạm vệ sinh ATTP của các cơ sở sản xuất chế biến ớt, Nafiqad sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra các cơ sở chế biến ớt khô, ớt bột để đảm bảo các cơ sở đó thực hiện đúng quy trình bảo quản, bảo quản sản phẩm tốt để không phát sinh ra nấm mốc; chỉ đạo các chi cục địa phương tăng cường lấy mẫu, nếu phát hiện cơ sở nào có điều kiện bảo quản không tốt làm phát sinh ra aflatoxin sẽ xử lý vi phạm.
Đồng thời, sẽ có văn bản chỉ đạo đến các chi cục địa phương để khuyến cáo các đơn vị cơ sở sản xuất chế biến bảo quản ớt để làm ớt khô, ớt bột trong điều kiện tốt nhất để không phát sinh ra nấm mốc. Trong quá trình chế biến không sử dụng các phụ gia ngoài danh mục cho phép để đảm bảo các sản phẩm ớt của chúng ta sau sản xuất chế biến đảm bảo ATTP. Trong trường hợp khi đi kiểm tra phát hiện ra vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
- Các loại nông sản thường bị nhiễm aflatoxin là ngũ cốc như: Ngô, kê, lúa gạo, hạt lúa mì…; hạt có dầu: Lạc, đậu tương, hạt hướng dương, đậu nành, bjat bông; gia vị: Ớt, hạt tiêu đen, rau mùi, nghệ, gừng và các loại quả hoặc hạt khác như hạt dẻ, dừa…
- Theo một nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại BV Hữu Nghị về “Các yếu tố nguy cơ gây ung thư gan nguyên phát”, có aflatoxin trong tổ chức gan của 83,3% số bệnh nhân ung thư gan nguyên phát đang điều trị tại Bệnh viện Hữu Nghị; 17% số bệnh nhân có cùng lúc hai yếu tố aflatoxin và viêm gan virus; 13% mang cùng lúc ba yếu tố aflatoxin, rượu, thuốc lá. “Tỉ lệ aflatoxin trong tổ chức gan của 83,3% số bệnh nhân cho thấy ung thư gan thứ phát ở Việt Nam có liên quan chặt chẽ với nhiễm aflatoxin qua đường ăn uống”, nhóm nghiên cứu nhận định.